Năm 2023 có thể được xem như một trong những giai đoạn đen tối nhất của thị trường bất động sản (BĐS) khi hàng ngàn doanh nghiệp BĐS phá sản, nhiều doanh nhân rơi vào vòng lao lý, thanh khoản thấp chưa từng có và rất nhiều môi giới thất nghiệp.
Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường BĐS gần như đã đi qua vùng đáy và hy vọng khởi sắc trong năm 2024.
Xem thông tin dự án Lumiere Smart City chi tiết
Một năm nhìn lại
Theo nhận định của Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA), trong 10 tháng năm 2023, thị trường BĐS bước vào giai đoạn khó khăn, giai đoạn này được xem là “vùng đáy” của thị trường.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê còn cho thấy, tổng cộng 10 tháng đầu năm 2023, cả nước có 1.067 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng so với năm 2022. Số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh liên quan đến BĐS thành lập mới chỉ là 3.850, con số này chỉ bằng nửa số doanh nghiệp BĐS thành lập mới ở năm 2022. Tính đến hết năm 2023, có đến 1.286 doanh nghệp phải giải thể, tăng 7,7% so với năm 2022. 3705 doanh nghiệp BĐS ngừng có thời hạn, tăng 47,4%. Trong khi đó, thành lập mới 4.725 doanh nghiệp BĐS, giảm 45%. Hàng nghìn môi giới BĐS mất việc, bỏ nghề. Chỉ còn khoảng 20% môi giới đang hoạt động.
Còn theo Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), năm 2023, khoảng 70% môi giới BĐS đã nghỉ việc, bỏ nghề. Năm 2023, hơn 90% nhân sự ngành BĐS bị giảm thu nhập. Làn sóng cắt giảm nhân sự diễn ra trong hầu hết các doanh nghiệp liên quan đến BĐS.
Nhìn lại thị trường BĐS năm 2023, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), cho rằng, khoảng thời gian này là “sự trả giá” cho quá trình phát triển thiếu kiểm soát, kém minh bạch và an toàn của thị trường trong một thời gian dài trước đó.
Năm của những chính sách đột phá
Năm 2023 cũng là năm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, Tổ công tác của Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã cùng các địa phương tập trung nỗ lực rất lớn để “giải cứu” thị trường BĐS; tiếp xúc các doanh nghiệp đang gặp vướng mắc, khó khăn để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Nhờ đó, thị trường BĐS hiện nay tuy vẫn còn rất khó khăn nhưng đã đi qua “vùng đáy”, đang trong quá trình dần phục hồi và có thể phát triển vững vàng hơn từ nửa cuối năm 2024.
Năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng trăm nghị quyết, nghị định, quyết định, văn bản chỉ đạo điều hành, công điện, tổ chức nhiều hội nghị để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, người dân, Hiệp hội và các chuyên gia. Điển hình là Nghị quyết 33/NQ-CP và Nghị quyết 97/NQ-CP của Chính phủ đã xác định tổng thể các giải pháp, đặc biệt là quan điểm: “Tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm; chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững”, trong đó, yêu cầu “các doanh nghiệp kinh doanh BĐS có trách nhiệm ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu; chủ động nghiên cứu tái cơ cấu lại giá cả, sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường”, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Tiếp theo là Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Chính phủ sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP chỉ sau khi ban hành 5 tháng), giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ “hạ cánh mềm” hoặc Nghị định 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ vướng mắc về cấp “sổ hồng” cho khoảng 100.000 căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) hoặc Nghị định 35/2023/NĐ-CP tháo gỡ vướng mắc pháp lý thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng hoặc Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép gia hạn thời gian trả nợ, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ hoặc Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành của một số quy định bất hợp lý của Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2023, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 và Ngân hàng Nhà nước đã công bố Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi vay thông thường để thực hiện Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Cũng trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hai hội nghị chuyên đề về BĐS và nhà ở xã hội; ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo điều hành cũng như các công điện trong việc thực hiện quản lý, sử dụng đất, giao đất, định giá đất; Giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là Công điện “Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội” (các Nghị định số: 08/2023/NĐ-CP, 10/2023/NĐ-CP, 35/2023/NĐ-CP; Nghị quyết số 33/NQ-CP) để tìm giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tháng 1/2023, Thủ tướng ký Chỉ thị số 03 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng BĐS đối với doanh nghiệp BĐS và người mua nhà, thúc đẩy phát triển các dự án BĐS hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường BĐS. Tháng 2/2023, Thủ tướng chủ trì “Hội nghị trực tuyến Toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”. Ngay sau Hội nghị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, năm 2023, đã tổ chức 2 hội nghị về tín dụng đối với BĐS và NƠXH. Triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng để phục vụ Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong giai đoạn 2021-2030 với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất thương mại.
Ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN “Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn”; Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Đối với Bộ Xây dựng, đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Bộ chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương và trực tiếp với nhiều doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của một số dự án BĐS, nhà ở thương mại.
Với những chính sách tích cực được đưa ra liên tục, có thể kỳ vọng vào sự khởi sắc hơn từ nửa cuối năm 2024 khi các nút thắt “Pháp lý – Vốn -Thanh khoản” dần được tháo gỡ. Tại Báo cáo triển vọng ngành BĐS 2024 vừa công bố, Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, thị trường BĐS vẫn đang gặp nhiều khó khăn nhưng xuất hiện nhiều tín hiệu khả quan: lãi suất cho vay giảm; chủ đầu tư đưa ra nguồn cung hàng mới với các chính sách ưu đãi; thanh khoản giao dịch thấp, tuy nhiên tỷ lệ hấp thụ tăng qua từng quý; việc nhiều chính sách pháp lý được thông qua và triển khai, kỳ vọng tháo gỡ các khó khăn và giúp thị trường BĐS phát triển bền vững, minh bạch.
Nguồn: kinhtenongthon.vn
Leave A Comment